In trang này

Hải Phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong công tác quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng giao thông

Thứ Năm, 08/08/2013, 09:30 GMT+7

Hải Phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong công tác quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng giao thông

Chiều 7/8, tại trụ sở Bộ Giao thông vận tải, Ban cán sự Đảng UBND thành phố làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố và đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đồng chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có các đồng chí: Trương Tấn Viên, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Nguyễn Đình Bích, Phó Chủ tịch HĐND thành phố; Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố.

 

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Thành cho biết, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 32, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng phê duyệt và trực tiếp phê duyệt 15 quy hoạch về hạ tầng giao thông. Hạ tầng giao thông đường bộ của thành phố đã được đầu tư, nâng cấp với tổng số 1.400 km đường các loại; hoàn thành xây dựng 8 cầu lớn trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Về lĩnh vực cảng biển, đã thực hiện đầu tư Dự án nâng cấp Cảng Hải Phòng giai đoạn 1, giai đoạn 2 bằng nguồn vốn ODA với tổng mức đầu tư 2.432 tỷ đồng; đầu tư mới các cầu cảng và thiết bị, công nghệ hiện đại tại khu vực cảng Đình Vũ góp phần tăng sản lượng hàng hóa thông qua cảng: từ 13,02 triệu tấn vào năm 2003 lên 48,8 triệu tấn vào năm 2012, gấp gần 3,8 lần và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 16,7%/năm.

Về phát triển ngành công nghiệp giao thông vận tải, ngành đóng tàu Hải Phòng đã đóng mới được các sản phẩm chủ lực như: các loại tàu hàng tải trọng đến 56.200 DWT, kho nổi chứa dầu 150.000 DWT, tàu dầu 13.000 DWT… Giá trị sản xuất công nghiệp ngành đóng tàu năm cao nhất đạt 5.781,3 tỷ đồng (năm 2008).

Về ngành công nghiệp sản xuất có động cơ, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2012 đạt 3.675 tỷ đồng, tăng hơn 50 lần so với năm 2003 (49,6 tỷ đồng), đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 60,5%.

Một số tồn tại, hạn chế cũng được lãnh đạo thành phố Hải Phòng nhìn nhận, đó là: một số dự án kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, có ý nghĩa quan trọng không chỉ cho thành phố Hải Phòng mà còn cho cả miền Bắc được xác định theo Nghị quyết 32 chậm được triển khai. Đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi và Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, cầu Đình Vũ – Cát Hải, Quốc lộ 37. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu tập trung cho phát triển loại hình giao thông đường biển và đường bộ; vốn đầu tư cho loại hình giao thông đường sắt, đường thủy nội địa còn hạn chế; đường hàng không mới được triển khai đầu tư. Hệ thống giao thông đường bộ liên quan đến hoạt động của cảng biển và các tuyến đường nối với các tỉnh duyên hải Bắc bộ có nguy cơ tắc nghẽn và tiềm ẩn tai nạn giao thông do cơ cấu vận tải hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng còn bất hợp lý, chủ yếu phụ thuộc vào đường bộ. Hạ tầng giao thông đô thị còn nhiều hạn chế. Trong số 13 tiêu chí đô thị chưa đạt/tổng số 49 tiêu chí của đô thị loại 1, trung tâm cấp quốc gia, có tới 4 tiêu chí trong lĩnh vực giao thông vận tải chưa đạt, đó là tỷ lệ đất giao thông khu vực nội thị so với đất xây dựng trong khu vực nội thị, mật độ đường trong khu vực nội thị, tỷ lệ phục vụ vận tải hành khách công công, diện tích đất giao thông/dân số nội thị. Cơ chế đặc thù cho công tác nạo vét luồng tàu ban hành chậm ảnh hưởng đến tiến độ nạo vét luồng. Phát triển công nghiệp giao thông vận tải theo Nghị quyết 32 chưa đáp ứng yêu cầu.

Hải Phòng đề nghị Bộ Giao thông vận tải cùng kiến nghị với Chính phủ tập trung các nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và các nguồn vốn Trung ương khác, đồng thời cho phép kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, BOT, BT để đầu tư cho một số cơ sở hạ tầng quan trọng của thành phố và của cả vùng. Triển khai sớm dự án tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng (đến Cảng quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện) và Đường sắt trên cao từ ga Hải Phòng đến ga Thượng Lý, hoàn thành trước năm 2020. Chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố như Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Xây dựng phương án tổng thể để khai thác, phân bổ sản lượng hàng hóa cho các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không một cách khoa học, phù hợp với điều kiện địa lý của thành phố, giảm tải cho đường bộ. Quan tâm đầu tư một số dự án giao thông như: mở rộng nâng cấp một số đoạn tuyến QL10 qua khu đông dân cư đạt tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng; đầu tư xây dựng QL37 đoạn Thái Bình – Hải Phòng trước năm 2015; đầu tư một số cầu vượt đường bộ trên tuyến QL5 đoạn Hải Phòng; tiếp tục nâng cấp kéo dài QL5 đến khu vực cảng Lạch Huyện; đầu tư dự án nối QL5 – QL10; dự án đường gom QL10; dự án cầu Nguyễn Trãi, cầu Vũ Yên trước năm 2020. Hải Phòng cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải kiến nghị với Chính phủ đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin; chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu cơ chế, chính sách để Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng tham gia đầu tư, khai thác các bến của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

Bộ trưởng Đinh La Thăng nhất trí cao với báo cáo của Thành ủy Hải Phòng về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 32, đồng thời cũng đồng tình với những đề nghị của thành phố đối với Bộ. Bộ trưởng khẳng định sẽ ủng hộ thành phố trong việc kiến nghị với Trung ương sửa đổi các cơ chế, chính sách hiện có nhiều bất cập, nhằm giúp Hải Phòng có động lực để hướng tới những đột phá trong tương lai. Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; tiếp tục có sự phối hợp với các cơ quan quản lý của Bộ trên địa bàn để quản lý chặt chẽ, tăng cường giám sát tiến độ, chất lượng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường đầu tư giao thông nông thôn; kiểm soát tải trọng xe container; quan tâm hơn nữa công tác đảm bảo an toàn giao thông; rà soát hệ thống biển báo, kết nối đường bộ - đường sắt, quản lý các đường ngang. Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hải Phòng, tạo điều kiện để thành phố có nhiều cơ hội hơn nữa phát triển, xứng đáng là thành phố trung tâm trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành cảm ơn sự quan tâm, phối hợp tạo điều kiện của Bộ Giao thông vận tải, và khẳng định với sự giúp đỡ, ủng hộ của Bộ, thành phố sẽ quyết tâm khắc phục khó khăn, tiếp tục phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

(haiphong.gov.vn)

 

  • Bản quyền thuộc về Công ty đóng tàu Phà Rừng - Địa chỉ: Thị trấn Minh Đức, Huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng
  • Đề nghị không xuất bản lại nội dung trên pharung.com.vn