In trang này

Tiếp tục xây dựng và phát triển Hải Phòng thành một trong những trung tâm công nghiệp, thương mại lớn của cả nước

Thứ Hai, 12/08/2013, 07:28 GMT+7

Sáng 9/8, tại Hà Nội, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương về nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW ngày 5/8/2003 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Dự buổi làm việc, về phía Bộ Công thương có đồng chí Vũ Huy Hoàng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng; đồng chí Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng và các cục, vụ, tập đoàn, tổng công ty nhà nước liên quan. Về phía thành phố Hải Phòng, có đồng chí Dương Anh Điền, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND thành phố; đồng chí Nguyễn Đình Bích, Phó Chủ tịch HĐND thành phố; đồng chí Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

 

Trong 10 năm qua, từ sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công thương và thành phố Hải Phòng, kết quả sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả tích cực. GDP công nghiệp tăng từ 3.691,5 tỷ đồng năm 2003 lên 9.611,1 tỷ đồng năm 2012, gấp 2,9 lần so với trước khi có Nghị quyết 32, tăng trưởng bình quân 11,23%/năm giai đoạn 2003-2012. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 15.580,6 tỷ đồng năm 2003 lên 50.456 tỷ đồng năm 2012, gấp 3,8 lần, tăng trưởng bình quân 14,3%/năm, đứng thứ 7 cả nước và đứng thứ 3 trong vùng kinh tế Bắc Bộ và miền Bắc. Cơ cấu các ngành công nghiệp đã có chuyển dịch tích cực theo hướng tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực có lợi thế, tiềm năng. 9 ngành công nghiệp chủ lực theo Nghị quyết 32 chiếm tỷ trọng 89,84% giá trị sản xuất công nghiệp thành phố. Một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, hiệu quả kinh tế thấp đã giảm dần; các ngành công nghiệp có giá trị tăng cao như điện, sản xuất điện tử, thiết bị điện có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với bình quân chung toàn ngành.

Đến nay, thành phố có 7 khu công nghiệp đã đầu tư cơ sở hạ tầng với tổng diện tích 2.200 ha, thu hút được 165 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 3.387,6 triệu USD. Giá trị sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp chiếm khoảng gần 40% giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố. Thành phố cũng có 5 cụm công nghiệp với tổng diện tích đất 179 ha, đã được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tỷ lệ lấp đầy đạt 96,24%, thu hút 80 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.507,83 tỷ đồng.

Hoạt động thương mại phát triển khá mạnh và toàn diện, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2012 đạt 51.371,8 tỷ đồng, tăng 7,75 lần so với năm 2003, tốc độ tăng trưởng bình quân 22,73%/năm, chiếm 8,7% và đứng thứ  2 trong vùng Đồng bằng sông Hồng; chiếm 2,2% và đứng thứ 6 cả nước vào năm 2012.

Hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại cơ bản đáp ứng yêu cầu cơ bản của nhân dân, gồm 143 chợ, 12 siêu thị, 7 trung tâm thương mại. So với trước khi có Nghị quyết 32, số chợ tăng thêm là 15, số trung tâm thương mại tăng thêm 5 và siêu thị tăng thêm 7.

Thị trường xuất khẩu được mở rộng tới 82 nước và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu tăng từ 591,6 triệu USD năm 2003 lên 2626,9 triệu USD năm 2012, gấp 5,5 lần so với trước khi có Nghị quyết 32, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18,5%/năm giai đoạn 2003-2012, đứng thứ 3 miền Bắc, thứ 7 cả nước.

Một số tồn tại, hạn chế cũng được lãnh đạo thành phố chỉ ra, đó là: cơ cấu công nghiệp bộc lộ những bất hợp lý, những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng lớn, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, lao động chất lượng cao lại có tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp thấp. Một số ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế như đóng tàu, sản xuất thép, giầy dép bị ảnh hưởng mạnh của suy thoái kinh tế, không phát huy được vai trò chủ lực như yêu cầu của Nghị quyết. Quy mô của phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp ở tình trạng vừa và nhỏ. Công tác đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn dàn trải, việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp còn chậm. Hoạt động thương mại phát triển chưa tương xứng với lợi thế của thành phố, chưa thực sự trở thành trung tâm thương mại lớn của cả nước. Tốc độ mở rộng thị trường xuất khẩu mới đạt 82 thị trường, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chỉ chiếm 2,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Điền trân trọng cảm ơn sự ủng hộ của Bộ Công thương trong quá trình thành phố thực hiện Nghị quyết 32. Chủ tịch cho biết, phát huy những kết quả đạt được, nhận thức được những hạn chế, tồn tại, đặc biệt đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu, thời gian tới, thành phố xác định vấn đề hạ tầng giao thông phải đi trước và đồng bộ; tập trung tái cấu trúc công nghiệp, theo đó sẽ hướng ngành công nghiệp thành phố tới lĩnh vực chế tạo vì tạo giá trị gia tăng cao…

Với quyết tâm tiếp tục xây dựng và phát triển Hải Phòng thành một trong những trung tâm công nghiệp, thương mại lớn của cả nước theo đúng tinh thần Nghị quyết 32 đề ra, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh một số kiến nghị của thành phố Hải Phòng với Bộ Công thương: đề nghị hỗ trợ Hải Phòng triển khai xây dựng và phát triển khu công nghiệp chuyên sâu, công nghiệp hỗ trợ. Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thi công Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng, ưu tiên đảm bảo cấp điện đáp ứng tốc độ phát triển của thành phố. Tạo điều kiện cho thành phố thành lập những trung tâm thương mại lớn để mở rộng hoạt động giao thương, buôn bán với các đối tác nước ngoài. Xây dựng cơ chế chính sách riêng cho hoạt động xuất nhập khẩu tại các cảng biển, nghiên cứu phát triển dịch vụ tạm nhập tái xuất hàng hóa qua cảng Hải Phòng đi kèm với quản lý chặt chẽ. Hỗ trợ thành phố tổ chức thường niên các hội chợ xuất nhập khẩu vùng duyên hải Bắc bộ tại Hải Phòng bằng nguồn kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia, hỗ trợ thành phố phát triển thương mại điện tử. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương hoặc ODA để đẩy nhanh xây dựng các chợ đầu mối nông sản, thủy hải sản. Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ đối với các dự án phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng từ thủy triều.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhất trí với dự thảo báo cáo của Thành ủy Hải Phòng về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 32, đồng thời nhấn mạnh, Nghị quyết 32 đã làm thay đổi rõ nét diện mạo thành phố, khẳng định vai trò quan trọng của Hải Phòng với khu vực phía Bắc và cả nước, góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của cả nước. Có được kết quả này, một phần quan trọng là do sự năng động, quyết tâm, sáng tạo của lãnh đạo thành phố. Bộ trưởng cũng đồng tình cho rằng, để Hải Phòng khắc phục những hạn chế, phát triển xứng đáng với tiềm năng, cần phải có những cơ chế, chính sách đặc thù dành riêng cho thành phố, cùng với sự giúp đỡ, đồng thuận của Trung ương. Đối với các kiến nghị của thành phố đối với riêng ngành Công thương, Bộ trưởng hoàn toàn ủng hộ. Bộ trưởng cũng đề nghị thành phố phối hợp giải quyết nhanh công tác giải phóng mặt bằng các dự án, công trình ngành công thương, đặc biệt là các dự án điện; quan tâm giải quyết các vướng mắc của các doanh nghiệp công nghiệp; quan tâm đến vấn đề nhà ở cho công nhân nhà máy xơ sợi Đình Vũ…

(theo haiphong.gov.vn)

  • Bản quyền thuộc về Công ty đóng tàu Phà Rừng - Địa chỉ: Thị trấn Minh Đức, Huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng
  • Đề nghị không xuất bản lại nội dung trên pharung.com.vn