In trang này

Bài toán lắp đặt hệ thống kiểm soát, quản lý nước dằn theo IMO BWM đối với tàu biển hoạt động tuyến quốc tế

Thứ Ba, 04/07/2017, 16:47 GMT+7

Bài toán lắp đặt hệ thống kiểm soát, quản lý nước dằn theo IMO BWM đối với tàu biển hoạt động tuyến quốc tế. Có hiệu lực vào 08/9/2017.

Theo Thông báo của Cục hàng hải Việt Nam, số 130/CHHVN-KHCNMT, ban hành ngày 13/01/2016 và Thông báo của Cục đăng kiểm Việt Nam, số 030T1/16 TB - ban hành ngày 09/9/2016, Công ước quốc tế về kiểm soát và quản lý nước dằn và cặn lắng nước dằn tàu năm 2004 (Công ước BWM) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 08/9/2017. Điều đó có nghĩa là tất cả đội tàu biển của Việt Nam đang hoạt động tuyến quốc tế sẽ phải tuân thủ quy định BWM và phải được cấp chứng nhận BWMC.

Thời gian hiệu lực của công ước BWM đang đến gần, mặc dù các thông tin này đã được đưa ra trước một khoảng thời gian khá dài, tuy nhiên không ít Chủ tàu chưa thật chủ động hoặc còn băn khoăn trong việc lựa chọn phương án tối ưu nhất cho con tàu của mình. Băn khoăn của họ là giải pháp thiết kế - kỹ thuật, tổ chức thi công như thế nào cho phù hợp với con tàu hiện đang khai thác, chọn thiết bị gì, thời gian thi công bao lâu, các vấn đề khác liên quan khi lắp đặt thêm hệ thống này. Tóm lại họ sẽ quan tâm đến chất lượng, chi phí và tổng thời gian dừng tàu để thi công lắp đặt hoàn thiện.

Đón bắt nhu cầu của các Chủ tàu, nhiều đơn vị như các nhà tư vấn thiết kế, các nhà sản xuất/cung cấp thiết bị, các nhà máy đóng và sửa chữa tàu đã nhảy vào cuộc và kể cả có việc bắt tay của ba nhà với nhau nhằm mục tiêu mang đến cho các Chủ tàu giải pháp tối ưu trong việc lắp đặt bổ sung Hệ thống kiểm soát, quản lý và xử lý nước dằn tàu với chi phí, thời gian, tài chính thấp nhất và thoả mãn các yêu cầu của công ước.

Công ty TNHH MTV đóng tàu Phà Rừng (PRSY) đã sớm triển khai việc xem xét, trao đổi và có những nội dung thống nhất với một số đối tác nước ngoài trong việc hợp tác để đưa ra gói giải pháp bao gồm thiết kế, cung cấp thiết bị, tổ chức thi công lắp đặt, chạy thử đưa hệ thống vào hoạt động đảm bảo các tiêu chuẩn quy định của Công ước.

Để giúp các Chủ tàu có thể hình dung ra được rõ ràng hơn, PRSY xin được nêu ra nội dung và trình tự các công việc cần phải được thực hiện như sau:

1. Nội dung công việc:

Bước 1: Tư vấn lựa chọn thiết bị phù hợp về kỹ thuật, tài chính để lắp đặt;

Bước 2: Nghiên cứu các tài liệu và bản vẽ liên quan về bố trí buồng máy và hệ thống ống;

Bước 3: Khảo sát thực tế tàu, xây dựng thiết kế 3D;

Bước 4: Xây dựng dự toán chi phí;

Bước 5: Chuẩn bị các tài liệu, bản vẽ để Chủ tàu xem xét và Đăng kiểm phê duyệt;

Bước 6: Chuẩn bị vật tư, thiết bị, công nghệ;

Bước 7: Tổ chức thi công, lắp đặt thiết bị xử lý nước dằn cũng như các thiết bị khác nếu có;

Bước 8: Kiểm tra, thử thiết bị và thử đường dài trên biển.

2. Thời gian thực hiện:

Tổng thời gian từ khi Chủ tàu đặt vấn đề chính thức đến khi hoàn thiện đưa hệ thống vào hoạt động mất từ 20-26 tuần, trong đó:

  • Thời gian chuẩn bị trước khi thi công, bao gồm các bước công việc từ bước 1 đến bước 6 (như kể ra ở trên), chiếm từ 20 đến 22 tuần.
  • Thời gian từ khi thi công đến khi hoàn thiện bàn giao, bao gồm các bước công việc từ bước 7 đến bước 8, chiếm từ 4 đến 6 tuần.

Thời gian tàu dừng hoạt động khai thác để triển khai lắp đặt hệ thống tại shipyard chỉ từ 4 đến 6 tuần. Như vậy, để đáp ứng được thời hạn yêu cầu của công ước cũng như thời gian dừng tàu cho lắp đặt hệ thống là ngắn nhất thì cần có quyết định của các chủ tàu ngay từ bây giờ.

  • Bản quyền thuộc về Công ty đóng tàu Phà Rừng - Địa chỉ: Thị trấn Minh Đức, Huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng
  • Đề nghị không xuất bản lại nội dung trên pharung.com.vn