In trang này

CÔNG TRÌNH "NHÀ MÁY SỬA CHỮA TÀU BIỂN PHÀ RỪNG” MÓN QUÀ Ý NGHĨA CỦA CHÍNH PHỦ VÀ NHÂN DÂN PHẦN LAN

Thứ Tư, 24/03/2021, 13:52 GMT+7

LỜI DẪN: Nhân dịp kỷ niệm 37 năm (25/3/1984 - 25/3/2021) Ngày truyền thống của Công ty Đóng tàu Phà Rừng (trước đây là Nhà máy Sửa chữa tàu biển Phà Rừng), để CBCNV Công ty và những người quan tâm hiểu rõ thêm sự giúp đỡ to lớn của Chính phủ và nhân dân Phần Lan trong những năm đầu 1970 khi mà Việt Nam đang trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, chúng tôi xin trích đăng bài diễn văn của ông Trịnh Văn Phận - Cố Giám đốc Nhà máy Sửa chữa tàu biển Phà Rừng tại cuộc họp tổng kết Công trình Phà Rừng tháng 7/1991.

Từ ngày 14 tháng 7 năm 1977 đến 30 tháng 6 năm 1991 trong vòng 14 năm có 3 năm chuẩn bị (1977 ÷ 1979), bằng 4 hiệp định với 245,25 triệu (FIM) vốn viện trợ và trên 300 triệu đồng do Việt Nam đóng góp, hai Nhà nước đã xây dựng lên Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng, hiện nay là một biểu tượng của tình hữu nghị, đoàn kết của chính phủ, nhân dân Phần Lan và chính phủ nhân dân Việt Nam, những biểu tượng tốt đẹp đó sẽ luôn luôn là một ấn tượng sâu sắc đối với CB-CN của Nhà máy Sửa chữa tàu biển Phà Rừng.

               Hôm nay là ngày Lễ tổng kết, kết thúc công trình Phà Rừng giữa hai nhà nước Phần Lan và Việt Nam, cho phép tôi được ôn lại quá trình xây dựng và phát triển của Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng.

Lễ khánh thành giai đoạn I Nhà máy Sửa chữa tàu biển Phà Rừng (25/3/1984)

               Thời kỳ xây dựng (tháng 4-1979 đến tháng 12-1983): Số vốn viện trợ là: 187,5 triệu  FIM (Mác Phần Lan) và trên 300 triệu đồng Việt Nam.

               Tháng 4 năm 1979 khi nhát cuốc đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng Nhà máy Phà Rừng, tại đây là dãy núi đá vôi “ĐỒNG CÂN”, xung quanh là sông rạch, song chỉ trong vòng 05 năm với sự tham gia của trên 200 lượt chuyên gia Phần Lan, với kỹ thuật tinh xảo và máy móc hiện đại đã cùng với cán bộ công nhân Việt Nam san núi, lấp sông, đào đắp gần 3 triệu mét khối đất đá để tạo nên 14,6 ha mặt bằng cho xây dựng Nhà máy và khu trại chuyên gia Phần Lan và đã xây dựng xong các công trình chính cho Nhà máy như: một ụ tàu dài 156m có khả năng sửa chữa được loại tàu 16.500 tấn (DWT), một cầu tàu dài 200m một lúc có thể đậu được 3 con tàu lớn để sửa chữa, một bến bốc dỡ dài 100m, khi cần có thể cho loại tàu dưới 5000 tấn đậu, một xưởng cơ khí với diện tích 2166 m2 có 14 loại thiết bị được lựa chọn và lắp đặt tốt, có 2500m2 nhà kho, đủ chỗ chứa toàn bộ phụ tùng, vật tư cho sửa chữa tàu và bảo dưỡng Nhà máy, một hệ thống cung cấp năng lượng gồm: điện, nước, khí nén, ôxy, acetylene và hệ thống rãnh thiết bị cũng được xây dựng hoàn chỉnh ngay từ đầu, các thiết bị như: Trạm bơm nước âu, các loại cần cẩu, các loại máy công cụ, thiết bị cung cấp năng lượng, hệ thống chiếu sáng vv… đều được lựa chọn kỹ càng và được lắp đặt hợp lý cho một dây chuyền sản xuất tiên tiến hiện nay. Một trại chuyên gia có 30 căn hộ với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết, đủ chỗ ở cho trên 70 chuyên gia Phần Lan trong thời kỳ xây dựng. Ngoài các công trình trên, trước khi đưa Nhà máy vào vận hành, phía Phần Lan còn giúp thiết kế và một tàu hút bùn và phía Việt Nam góp vốn để nạo vét trên một triệu mét khối đất đá để tạo một luồng dài 12km để dẫn tàu vào Nhà máy sửa chữa.

Khoan núi "Đồng Cân" xây dựng ụ tàu

               Có thể nói: các công trình xây dựng của Nhà máy đạt chất lượng cao và máy móc thiết bị hầu hết là loại tốt. Chỉ có một vài tồn tại nhỏ đó là: Có một vài loại thiết bị chưa được nhiệt đới hóa, không thích hợp với môi trường sử dụng nên chóng hỏng (bơm cửa âu) và một số cáp điện lắp không bảo đảm kỹ thuật đã gây ra một số sự cố về điện phải sửa chữa.

Thời kỳ vận hành (1984 ÷ 1986) với số vốn viện trợ của Phần Lan là: 29 triệu FIM:

               Mục tiêu của giai đoạn này là: đào tạo người vận hành và quản lý các máy móc thiết bị đã được trang bị; đào tạo thực hành sửa chữa các con tàu lớn đi biển từ những công việc giản đơn và hoàn thiện nốt các công trình xây dựng còn dở dang (bến trước, nhà dịch vụ, nạo vét đất ở gần cầu nặng …).

               Điểm khởi đầu của giai đoạn này là ngày 18/3/1984 con tàu đầu tiên mnag tên  “CHƯƠNG DƯƠNG” của Công ty VOSCO có trọng tải 11.858 tấn (DWT) được đưa vào âu để sửa chữa nhỏ với thời gian là 12 ngày.

               Sự thành công của giai đoạn này là trên 400 công nhân và gần 100 cán bộ quản lý của Nhà máy đã được đào tạo tốt tại chỗ dưới sự hướng dẫn của gần 30 lượt chuyên gia Phần Lan giầu kinh nghiệm quản lý Nhà máy và kinh nghiệm sửa chữa tàu. Nhờ vậy mà toàn bộ máy móc thiết bị của Nhà máy đã được vận hành tuyệt đối an toàn, đồng thời đã sửa chữa xong 33 con tàu các loại, con tàu nước ngoài đầu tiên vào Nhà máy sửa chữa là tàu “SINEGORSK” của Liên Xô, trọng tải 4358 tấn (DWT) vào dock ngày 09-10-1986. Giá trị sản xuất đạt: 2.070.000 USD (theo đánh giá của các chuyên gia cố vấn), tiết kiệm cho Nhà nước Việt Nam 2.100.000 USD do không phải đưa 19 con tàu ra nước ngoài sửa chữa. Kết quả đã thu được của các tàu vào sửa chữa bảo đảm đủ mọi chi phí cho sản xuất và giải quyết đời sống cho người lao động, Nhà nước không phải cấp vốn cho công tác đào tạo và cũng làm được nghĩa vụ cho Nhà nước theo chế độ bao cấp...

               Song đến cuối giai đoạn, theo sự đánh giá của cả hai phía xét thấy cần có sự hoàn thiện tiếp về công tác đào tạo, nhất là đào tạo về công tác sửa chữa tàu và công tác thị trường nên đã đề xuất thêm giai đoạn cố vấn.

Toàn cảnh Nhà máy Sửa chữa tàu biển Phà Rừng tháng 3/1984

Giai đoạn cố vấn (1987 ÷ 1988) số vốn viện trợ là 14 triệu FIM.

               Mục tiêu của giai đoạn này là hoàn thiện về công tác đào tạo, đặc biệt là bộ máy điều hành sản xuất (đốc công, chủ nhiệm công trình), một số công việc đòi hỏi chất lượng và kỹ thuật cao, đồng thời cố vấn cho bộ phận quản lý lập các phương án sản xuất kinh doanh, hạch toán kinh tế, và số vốn viện trợ giành nhiều cho việc mua sắm thêm công cụ cầm tay, mua phụ tùng, vật tư cho công tác bảo dưỡng, bảo quản sửa chữa thiết bị nội bộ với số chuyên gia cố vấn ít hơn (không quá 6 người).

               Thành công của giai đoạn này là: những đối tượng được đào tạo đã được nâng lên rõ rệt, một số đốc công, chủ nhiệm công trình đã tự lập điều hành sản xuất đối với các con tàu được giao đạt kết quả tốt cả về chất lượng và tiến độ, các kế hoạch sản xuất được lập dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia cố vấn tương đối sát với thực tế, một số biểu giá sửa chữa, các quy trình công nghệ đã được xây dựng, những thiết bị kỹ thuật có năng suất cao đã đưa vào khai thác có hiệu quả.

               Đã sửa chữa xong 41 con tàu các loại, trong đó có 28 con tàu nước ngoài, giá trị sản xuất đạt 7.600.000 USD, tiết kiệm cho Nhà nước: 2.520.000 USD do không phải đưa 23 con tàu đi sửa chữa nước ngoài, thu được trên một triệu Rúp ngoại tệ.

               Kết quả sản xuất đã bảo đảm đủ mọi chi phí cho sản xuất và giải quyết đời sống đối với CB-CNV khá hơn, làm đủ nghĩa vụ với Nhà nước và có tích lũy được một phần vốn khấu hao để lại để làm công tác duy tu luồng và đầu tư thêm các công trình phụ trợ cho Nhà máy (trên 2 tỷ).

               Đến cuối giai đoạn, theo sự đánh giá của hai phía đã nảy sinh ra một số vấn đề mới như: cần có sự đầu tư thêm để hoàn thiện dây chuyền sản xuất cho Nhà máy và cần có sự cố vấn tiếp của Phần Lan để tìm kiếm thị trường và khả năng liên doanh cho tương lai nên đã nảy sinh ra giai đoạn tiếp nối.

Giai đoạn tiếp nối (1980 đến tháng 6 năm 1991 vồn viện trợ là 14,75 triệu (FIM).

               Mục tiêu của giai đoạn là hoàn thiện các lĩnh vực về cố vấn sản xuất kinh doanh kể cả lĩnh vực mua sắm phụ tùng vật tư ở nước ngoài, triển khai các kế hoạch đầu tư thêm cơ sở vật chất kỹ thuật cho Nhà máy để hoàn thiện thêm về dây chuyền sản xuất như: Phân xưởng Vỏ, Trường dạy nghề, và hệ thống đèn luồng, trang bị lại hệ thống thông tin bằng hệ INMARSAT và tìm kiếm khả năng liên doanh với nước ngoài.

               Sự thành công lớn nhất của giai đoạn tiếp nối là các công trình đầu tư đều được hoàn thành vượt tiến độ, 2000m2 nhà dịch vụ đã được hoàn thiện trước ngày 01-7-1989, 1850m2 nhà phân xưởng Vỏ với 12 loạt thiết bị được lắp đặt đã đưa vào khai thác trước ngày 15-8-1990, 900m2 Nhà trường công nhân kỹ thuật và 1.117.520 FIM thiết bị của Phần Lan giúp cũng đã được lắp đặt nhanh và ngày 01/4/1990. Nhà trường đã khai giảng khóa học đầu tiên (1990 ÷ 1991) cho 30 cháu học sinh là con em cán bộ CNVC. Ngoài ra, Nhà máy còn đầu tư xây dựng được 2300m2 nhà ở gồm 46 căn hộ đủ chỗ ở cho công nhân.

               Trong giai đoạn này Nhà máy đã sửa chữa xong: 62 con tàu các loại, trong đó có: 16 tàu nước ngoài, thu trên 5 triệu Rúp ngoại tệ, giá trị sản xuất đạt 13.000.000 USD, tiết kiệm cho Nhà nước 4.370.000 USD do không phải đưa 32 con tàu đi sửa chữa ở nước ngoài.

               Kết quả sản xuất đủ bảo đảm cho mọi chi phí sản xuất của Nhà máy, đời sống của người lao động được cải thiện thêm một bước và làm đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước (trong 2 năm 1989, 1990 và 6 tháng đầu năm 1991 đã nộp cho Nhà nước trên 4 tỷ đồng Việt Nam) và đã giành ra khoản vốn tự có gần 5 tỷ đồng để đầu tư vào các công trình: Phân xưởng Vỏ, nhà dịch vụ, Trường CNKT, nhà ở công nhân và nạo vét luồng tàu vào Nhà máy.

               Trong giai đoạn này còn tồn tại một vài vấn đề chưa được hoàn thiện là: Hệ thống INMARSAT, trang bị đèn cho luồng tàu vào Nhà máy và vấn đề tổng kết đánh giá và thanh quyết toán công trình.

               Như vậy, trong vòng gần 11 năm, bằng 4 hiệp định với trên 300 lượt chuyên gia cố vấn Phần Lan đã làm nên một công trình sửa chữa tàu có tầm cỡ cho Việt Nam, và công trình ấy đã được phát huy tác dụng tốt, đã sửa chữa được: 436 con tàu các loại, với nửa triệu tấn phương tiện, giá trị sản xuất đạt 23.570.000 USD, tiết kiệm cho Nhà nước 8.990.000 USD do không phải đưa 74 con tàu đi nước ngoài sửa chữa.

               Nhà máy đang trong đà đi lên, với giá trị sản lượng tăng bình quân là 25%, năng suất lao động tăng từ 14 ÷ 15%. Năm sau cao hơn năm trước, chất lượng sản phẩm đạt khá, giá thành sửa chữa tàu Việt Nam chỉ bằng một nửa giá thành của các nước trong khu vực. Bước đầu Nhà máy đã có uy tín với các khách hàng trong và ngoài nước.

(Trích bài phát biểu của ông Trịnh Văn Phận - Cố Giám đốc Nhà máy Sửa chữa tàu biển Phà Rừng trong buổi lễ kết thúc Công trình Phà Rừng ~ tháng 7/1991)

 

  • Bản quyền thuộc về Công ty đóng tàu Phà Rừng - Địa chỉ: Thị trấn Minh Đức, Huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng
  • Đề nghị không xuất bản lại nội dung trên pharung.com.vn