Hải Phòng - thành phố Hoa phượng đỏ, vẫn được bạn bè phương xa biết đến như là một “miền sóng, miền gió” đầy chất thợ của bến Cảng với những con tàu lớn nhỏ khơi xa… mà ít ai hiểu được một Hải Phòng vốn sâu đậm văn hóa từ xưa, là cái nôi nuôi dưỡng tinh hoa, sản sinh ra biết bao nhân tài cho Tổ quốc.
Từ một làng chài ven biển là trang An Biên bên bờ sông Cấm vào những năm 40 sau Công nguyên dưới thời trấn nhậm của Lê Chân, Hải Phòng khi đó đã giữ vị trí tiền tiêu khu vực Đông Bắc với tên gọi là Hải tần phòng thủ. Quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của người Hải Phòng qua hàng ngàn năm đã hình thành nên các miền quê văn hiến, các di tích lịch sử, văn hóa, sinh hoạt hội hè và phong tục tập quán…vừa mang nét chung của văn hóa Việt Nam, vừa thể hiện sắc thái riêng, độc đáo và thi vị tài hoa. Có thể nói, mỗi di tích, mỗi thắng tích, từng công trình đều lưu lại dấu ấn văn hóa bản địa giàu chất nhân văn của người Việt xưa nay trên đất Hải Phòng thân yêu của chúng ta.
Được hình thành trên miền đất cổ, với nền văn hóa lâu đời, Hải Phòng còn đón nhận cả những người từ phương xa tới đây cư trú. Chính sự hòa hợp cư dân nhiều vùng, miền đã tạo nên nét văn hóa đan xen đa dạng, sinh động của Hải Phòng, làm nên vẻ đẹp, chất nhân văn rất riêng cho thành phố Cảng.
Hải Phòng có nhiều làng nghề nổi tiếng từ xưa như tạc tượng, làng con rối Đồng Minh (Vĩnh Bảo), mà ông tổ nghề Tô Phú Tượng tiêu biểu cho tài năng điêu khắc được vua Lê ban cho nghệ danh kỳ tài hầu, làm chiếu cói, thảm cói Nam Am, Cổ Am, tạo hình tứ linh và các con vật… từ cây, quả ở Cao Nhân (Vĩnh Bảo), làm đá ở núi Voi (An Lão), làm chum, vại, nồi đất Tiên Hội, trồng hoa Đằng Hải, đúc đông, gang ở Mỹ Đồng (Thủy Nguyên), dệt thảm, len Hàng Kênh.
Hải Phòng có nhiều công trình kiến trúc điêu khắc nổi tiếng tiêu biểu cho tài hoa nghệ thuật của ông cha ta như tháp Tường Long (đang phục dựng), đình hàng Kênh, Kiền Bái, Cung Chúc, Đôn Lương, Gia Lộc, đền Nghè, miếu Cựu Điện, chùa Dư Hàng, Vân Bản, Mỹ Cụ…
Hải Phòng cũng là địa phương bảo tồn được nhiều loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian phi vật thể. Xã Đồng Minh (Vĩnh Bảo) là quê hương của môn nghệ thuật múa rối nước: rối nước, rối cạn, rối đèn (đèn kéo quân), thả đèn trời, thi pháo đất. Xã Phục Lễ, Phả Lễ (Thủy Nguyên) có hội xuân hát Đúm. Đồ Sơn có hội chọi trâu. Kiến Thụy có hội vật cầu, rước lợn ông Bồ, hội minh thề. Tiên Lãng, Cát Hải, An Dương có hội vật, đua thuyền…Mà đến nay, những lễ hội mang đậm chất dân gian vẫn được duy trì và phát triển, thu hút sự quan tâm, tình yêu và niềm say mê không chỉ người dân địa phương mà còn đối với mọi người dân ở các tỉnh, thành phố khác.
Bên cạnh đó, văn hóa nghệ thuật đương đại của thành phố Hoa cũng đạt những thành tựu xuất sắc, gắn liền với tên tuổi của các nghệ sĩ tên mọi lĩnh vực nghệ thuật: Nhà văn Nguyên Hồng với tác phẩm Bỉ Vỏ, nhạc sĩ Thanh Tùng với bài hát Thời hoa đỏ, Đoàn Thị Tảo với Chị tôi, và nhiều sáng tác khác…
Với những thành tựu đáng tự hào như thế, thành phố Cảng xứng đáng là một trong những trung tâm văn hóa nghệ thuật trên toàn quốc.
Theo dulichhaiphong.gov.vn