In trang này

Nỗ lực tái cơ cấu Vinashin

Thứ Sáu, 16/08/2013, 07:53 GMT+7

Sáng 18/7, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp giải quyết vướng mắc trong việc rút vốn thương hiệu, sáp nhập, giải thể các doanh nghiệp không nằm trong mô hình mới của Vinashin.
 

                                     

Tái cơ cấu xong 43 doanh nghiệp

Tại cuộc họp, Q. Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) Vũ Anh Tuấn cho biết theo Quyết định số 2108/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn sẽ giữ lại Công ty mẹ và 42 đơn vị làm nòng cốt sau tái cơ cấu.

Đối với 216 đơn vị không giữ lại trong mô hình Tập đoàn, sẽ thực hiện tái cơ cấu theo các hình thức: Rút vốn thương hiệu; Sáp nhập; Bàn giao chuyển về đơn vị khác; Giải thể; Chuyển nhượng phần vốn góp của Tập đoàn tại các công ty; Chuyển chủ sở hữu, quyền đại diện vốn.

Đến nay, Tập đoàn đã thực hiện tái cơ cấu được 43/216 doanh nghiệp (DN). Cụ thể: Rút vốn 14 đơn vị (theo hình thức chuyển nhượng phần vốn góp bằng giá trị thương hiệu Vinashin); Giải thể 14 đơn vị; Chuyển nhượng phần vốn góp 12 đơn vị; Bàn giao, chuyển chủ sở hữu, quyền đại diện vốn 3 đơn vị”- ông Vũ Anh Tuấn nói.

Khó khăn chồng chất

Cũng theo ông Vũ Anh Tuấn, qua gần 3 năm thực hiện tái cơ cấu, đến nay, số đơn vị hoàn thành việc rút vốn thương hiệu Vinashin tại các Công ty chưa nhiều. 14 đơn vị đã hoàn thành việc này là các đơn vị Tập đoàn không có bảo lãnh vay vốn, không vay nợ Tập đoàn, VFC hoặc chưa có hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Số đơn vị cần thực hiện rút vốn đang gặp nhiều vướng mắc. Trong trường hợp Vinashin muốn rút vốn thương hiệu theo hình thức giảm vốn điều lệ tại các công ty cổ phần thì cần 2 điều kiện: Đó là phải có sự đồng ý của Đại hội đồng cổ đông  và công ty phải cam kết bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ, các nghĩa vụ tài sản khác sau khi giảm vốn. 

Điều này đặt ra vấn đề, nếu Tập đoàn rút vốn thương hiệu, công ty và cổ đông có chịu đứng ra cam kết hay không, vì trong quá trình hoạt động của Công ty, Tập đoàn vẫn là một cổ đông và phải chịu trách nhiệm đối với các khoản công nợ của công ty tương ứng với số vốn góp của mình.

Ông Tuấn cũng cho biết, Tập đoàn đã ban hành 08 Nghị quyết tái cơ cấu về sáp nhập các đơn vị thành viên trong Tập đoàn. Trước đó, do chưa có các quy định rõ ràng về việc sáp nhập công ty con vào công ty mẹ, Sở KH&ĐT các địa phương chưa đối chiếu rành mạch giữa vốn điều lệ đăng ký và vốn điều lệ thực có nên còn một số vướng mắc làm chậm quá trình tái cơ cấu của đơn vị. 

Tuy nhiên, hiện việc này đã được nhiều bộ, ngành và địa phương chung tay tháo gỡ nên Vinashin sẽ dựa trên tình hình thực tế của DN để chủ động cân đối giữa việc giải thể, phá sản và sáp nhập các đơn vị, gỡ khó cho cả Tập đoàn và các đơn vị thành viên.

"Vinashin phải đứng ra chịu trách nhiệm về toàn bộ phần vốn theo như đăng ký ban đầu nhằm tạo điều kiện cho DN thực hiện xong việc sáp nhập hoặc giải thể. Nếu có vướng mắc cần báo cáo lại ngay Bộ GTVT để đề nghị các bộ, ngành khác vào cuộc, giúp Bộ GTVT nói chung, Vinashin nói riêng tái cơ cấu thành công Tập đoàn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo"

Tổ chức ngay đại hội cổ đông

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng, các Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Văn Công cùng đại diện các cơ quan thuộc Bộ và lãnh đạo Tập đoàn Vinashin đã thẳng thắn trả lời từng vướng mắc nêu ra. Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Theo yêu cầu, tháng 7 Bộ GTVT phải báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện tái cơ cấu Vinashin. Do đó, Vinashin phải rà soát, đánh giá lại chính xác thực trạng các vấn đề còn tồn tại và đưa ra giải pháp”. 

Về tái cơ cấu tài chính, đặc biệt là khoản nợ trong nước của Tập đoàn, Bộ trưởng giao các Thứ trưởng, các vụ chức năng bám sát các cơ quan của Chính phủ, các Ngân hàng đang giúp Vinashin tháo gỡ khó khăn.

Về tái cơ cấu các DN thuộc Tập đoàn, Bộ trưởng chỉ đạo: Trong tháng 8/2013, phải đại hội cổ đông xong tại các đơn vị để giải quyết vướng mắc trong việc rút vốn thương hiệu, sáp nhập và giải thể các đơn vị không nằm trong mô hình mới của Vinashin. Các DN chỉ góp vốn bằng thương hiệu mà không góp bằng tiền sẽ xử lý theo 2 nhóm: Nhóm không có liên quan, vướng mắc về công nợ thì đề nghị cổ đông cho rút ngay. Nhóm còn vướng mắc công nợ thì vẫn phải đại hội cổ đông, đưa ra các phương án xin rút một cách hợp lý dựa trên tình hình thực tế của DN.

Đối với nhóm DN có cả vốn góp bằng thương hiệu và bằng tiền cùng tài sản khác, phải đề xuất với cổ đông rút phần góp bằng thương hiệu, phần còn lại điều chuyển cho phù hợp với thực tế. 

Đối với các DN trong diện giải thể nhưng có đủ các điều kiện sáp nhập được thì Tập đoàn phải có trách nhiệm giúp đỡ DN sáp nhập nhằm giảm đầu mối đơn vị.

(Theo giaothongvantai.com.vn)

 

  • Bản quyền thuộc về Công ty đóng tàu Phà Rừng - Địa chỉ: Thị trấn Minh Đức, Huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng
  • Đề nghị không xuất bản lại nội dung trên pharung.com.vn