Chiều 13/8, UBND thành phố họp nghe báo cáo về tình hình thực hiện công tác chuẩn bị cho thẩm định hồ sơ trình UNESCO công nhận đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới.
Đồng chí Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND thành phố dự và chủ trì cuộc họp; cùng dự có đồng chí Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo các sở, ngành, huyện Cát Hải.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để chuẩn bị cho công tác thẩm định hồ sơ trình UNESCO công nhận đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới, Sở phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng lịch thẩm định thực tế đối với đoàn thẩm định của UNESCO từ ngày 28/9 đến 3/10; hoàn thành Đề án thành lập Ban Quản lý di sản thiên nhiên thế giới quần đảo Cát Bà trình thành phố phê duyệt cũng như dự thảo kế hoạch vận động Đề án đề cử Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Sở tham mưu với UBND thành phố có văn bản gửi Hiệp hội Sinh học Việt Nam củng cố lập luận và căn cứ khoa học về những giá trị nổi bật toàn cầu của quần đảo Cát Bà trước ngày 10/9; phối hợp huyện Cát Hải đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, tuyên truyền vận động cán bộ, nhân dân ủng hộ việc quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới…
Sau khi lãnh đạo các sở, ngành, huyện Cát Hải, các nhà khoa học, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam phát biểu ý kiến, Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Điền kết luận, khẳng định việc UNESCO xem xét công nhận đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới là sự kiện chính trị - xã hội trọng đại, không chỉ là niềm tự hào, vinh dự của riêng thành phố Hải Phòng, của Việt Nam mà còn mang tầm quốc tế. Từ đó, tạo cơ hội để thành phố bảo tồn các giá trị thiên nhiên đặc hữu, riêng có của Cát Bà cho nhân loại. Để Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2014, đồng chí yêu cầu: Các cơ quan, đơn vị khẩn trương vào cuộc hoàn thành các nội dung, luận cứ khoa học vững chắc, khẳng định rõ những giá trị nổi bật toàn cầu về đa dạng sinh học, tính toàn vẹn và hiệu quả quản lý của hồ sơ đề cử. Huyện Cát Hải gấp rút hoàn thành công tác chỉnh trang, giữ gìn cảnh quan sinh thái tại quần đảo Cát Bà; nâng cao trách nhiệm của cộng đồng đối với việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị di sản phục vụ tốt công tác thẩm định thực địa. Sớm có kế hoạch làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh thống nhất nội dung phối hợp cũng như đề án bảo tồn phát triển trong tương lai. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sự ủng hộ của các nhà khoa học trong và ngoài nước, tổ chức phi chính phủ đối với các nội dung đề cử. Bên cạnh đó, điều chỉnh linh hoạt kịp thời các nội dung của đề án theo yêu cầu thực tế, cũng như tìm ra những hạn chế, bất lợi của đề án có phương án khắc phục. Đối với đoàn khảo sát thực địa khi khảo sát tại Cát Bà, cần giới thiệu, tham quan những địa điểm, nét độc đáo của quần đảo Cát Bà, trong đó có loài Voọc và đảo đèn Long Châu tạo ấn tượng với đoàn khi đi thực tế tại Cát Bà.
(Báo Hải Phòng)