Đang tải dữ liệu...

Phà Rừng như đã biết

Thứ Ba, 27/05/2014, 07:30 GMT+7

Khi Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Việt Nam Đồng Sỹ Nguyên và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vương quốc Phần Lan Pa-Vo-Uy-Ruyen, cùng cắt băng khánh thành Nhà máy tàu biển Phà Rừng, thì ngành công nghiệp nước ta có thêm một cơ sở sửa chữa tàu biển hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.

Thời khắc đáng nhớ cách đây 30 năm, thuở ấy, nền kinh tế nước ta còn khó khăn, cán bộ công nhân phải dùng tem phiếu để mua nhu yếu phẩm. Được làm việc ở Phà Rừng là một vinh dự. Niềm vinh dự đầu tiên là môi trường công tác, với cách quản lý Bắc Âu, làm chủ những công nghệ cũng đưa từ Bắc Âu sang. Tìm khắp vùng chỉ một mình Phà Rừng có thể nắn thẳng trục cơ máy chính trong môi trường nitơ lỏng, cân bằng hệ trục chân vịt với phương pháp phân chia tải trọng trên gối đỡ, phun áp lực để làm sạch vỏ tàu đạt cấp độ được đăng kiểm châu Âu chấp nhận...Vì thế mà những con tàu ngoại quốc phải xếp hàng để vào Phà Rừng khi cần sửa chữa, tránh được một hành trình quá dài nếu phải đưa về các cơ sở sửa tàu ở tận châu Âu.
                 Cắt băng khánh thành Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng (Ảnh tư liệu)

Niềm vinh dự tiếp theo là chỉ một Phà Rừng của ngành công nghiệp tàu thủy được phép thu ngoại tệ, tiêu cũng bằng ngoại tệ. Những sỹ quan thủy thủ trên tàu khi vào Phà Rừng được lưu trú ở một khu vực mà người Thủy Nguyên gọi là “trại Đa vít”, giống như một khu resort bây giờ.

Ba mươi năm về trước, một Phà Rừng bề thế, hiện đại như vậy là một “đặc cách” ở Việt Nam. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, khi đất nước đang có chiến tranh, các nhà hoạch định kế hoạch đã khảo sát dãy núi Tràng Kênh và quyết định cho Phà Rừng tựa lưng vào thế núi. Tới tháng 6 năm 1973, luận chứng kinh tế về Phà Rừng được lập ở thủ đô Hexinky của Phần Lan. Đây là món quà mà vương quốc Phần Lan giúp Việt Nam. Sự giúp đỡ chí tình thể hiện ở các bước thiết kế, thi công cho đến lắp đặt thiết bị, chuyên gia trực tiếp kèm cặp trong sản xuất đều được Phần Lan đảm nhiệm. Vì thế, khi đến Phà Rừng sẽ có cảm giác như một nhà máy châu Âu từ đường nét kiến trúc tới công nghệ. Để thực hiện, các nhà chỉ đạo Phần Lan đã không tiếc công, tiếc của đào đi hẳn một quả núi, để đặt vào đó một ụ khô ( có kích thước 156m x 25m x 4,25m ) là trung tâm của Phà Rừng trong dây chuyền sửa chữa tàu.

Gần 10 năm, hơn 500 con tàu lớn của nhiều quốc gia đã đến sửa chữa, rồi ra đi mang theo thương hiệu Phà Rừng đến mọi nơi trên thế giới. Phà Rừng trở thành điểm sáng trên bản đồ hàng hải khi mà nền kinh tế nước ta còn chưa hội nhập.
                                                  Tàu đang sửa chữa trong ụ nổi tại Phà Rừng
 
Năm 2003, Phà Rừng có thêm nhiệm vụ đóng mới tàu biển và để tăng năng lực sửa chữa, một ụ nổi 4.200 tấn được hạ thủy. Từ đó, sản phẩm mang thương hiệu Phà Rừng ngày càng trở nên phong phú. Dãy núi Tràng Kênh như bức tranh thủy mạc, dòng Bạch Đằng là con đường thủy nối Phà Rừng với Biển Đông để đi ra thế giới ngày càng tấp nập hơn. Chúng tôi xin nhắc tới sự kiện là năm 2011, tờ Ship and Shipping, một tạp chí uy tín trong lĩnh vực truyền thông về hàng hải đã bình chọn chiếc San Felice do Phà Rừng đóng mới trọng tải 34.000 DWT (dài 180m, rộng 30m, cao tới mặt boong 14,7m) là một trong 10 tàu tốt nhất thế giới của năm.
                                                   Ship and Shipping, một tạp chí uy tín trong lĩnh vực truyền thông về hàng hải thế giới đã bình
                                   chọn chiếc San Felice do Phà Rừng đóng mới trọng tải 34.000 DWT  là một trong 10 tàu tốt nhất năm 2010
 
Góp mặt với các quốc gia có công nghiệp đóng tàu phát triển, sản phẩm tàu Phà Rừng đã đứng vào top 10. San Felice được khai sinh ở vùng đất đầy ắp sự kiện lịch sử, nơi hợp lưu của ba dòng sông (sông Bạch Đằng, sông Giá, sông Chanh), và dãy Tràng Kênh với ba đỉnh U Bò, Phượng Hoàng, Hoàng Tôn. Tất cả những nơi ấy vẫn còn dấu tích của Quốc Công tiết chế Trần Hưng Đạo đánh tan quân Nguyên – Mông. Nơi mà Nguyễn Trãi đã mô tả: Bát ngát sóng kình muôn dặm/ Thướt tha đuôi trĩ một màu. Còn Phạm Sư Mạnh thì: Nước trời một sắc/ Phong cảnh ba thu...Non sông vượng khí Bạch Đằng.

Tháng 2 năm 2008, tổng thống Phần Lan Tarja Kaarina Halonen đã đến thăm Phà Rừng. Điều đặc biệt, đây là nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử vương quốc Phần Lan, là vị tổng thống thứ 11 ở quốc gia này. Đến Phà Rừng vào ngày đầu xuân mới, theo phong tục Việt Nam thì tổng thống Phần Lan là người xông đất.

Sau chuyển đổi mô hình, Phà Rừng mang tên mới là Công ty đóng tàu Phà Rừng (một trong tám đầu mối của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy SBIC). Dẫu mang tên là gì thì Phà Rừng vẫn là một nhà máy sửa chữa và đóng mới phương tiện thủy, vẫn là một đơn vị mà người thợ đã quen với phong cách làm việc hiện đại, tiếp thu từ công nghệ đóng tàu của Bắc Âu. Phà Rừng tựa lưng vào dãy Tràng Kênh và nhìn ra biển với đầy ắp sự kiện lịch sử của dân tộc. Một địa thế như vậy với con người như vậy, thì sức bật của Phà Rừng trong môi trường hội nhập dù khó khăn đến đâu rồi cũng sẽ vượt qua để phát triển.

Với Phà Rừng, sự thay đổi luôn là cảm nhận đầu tiên. Trong lần gặp ông Lê Lộc, một trong những giám đốc đầu tiên của Phà Rừng, ông tâm sự rằng: Mỗi con người của Phà Rừng phải vượt lên chính mình, đó là sự đổi mới tư duy. Mọi thành công của đơn vị đều bắt đầu từ con người, sau đó mới là thiết bị. Thiết bị hiện đại có thể mua trong thời gian ngắn, nhưng con người phải đào tạo lâu dài và liên tục.

Xuất phát từ cách đặt vấn đề như thế, nên chính vị giám đốc Phà Rừng đã xin cấp trên tạo điều kiện để 200 cán bộ đi tu nghiệp, công nhân ở các nước có công nghiệp đóng tàu phát triển. Sau này, khi ông Lê Lộc về công tác ở Tập đoàn (nay là Tổng công ty SBIC) thì sự hợp tác đào tạo với nước ngoài vẫn liên tục thực hiện.

Chúng tôi cũng muốn nhắc lại nhận xét của ông Luogchi là trưởng đại diện Đăng Kiểm NK-Nhật Bản: Phà Rừng có tới bốn lợi thế để đóng mới tàu biển; một là năng lực; hai là kinh nghiệm; ba là tay nghề; bốn là quản lý. Bốn yếu tố này chúng tôi đều thấy rõ ở ở Phà Rừng, chủ tàu sẽ nhận được những con tàu không kém gì khi đóng ở Nhật Bản.

Ông trưởng đại diện Đăng kiểm Nhật đã nhật xét chính xác và bằng chứng là chiếc San Felice đã được chọn là một trong số 10 tàu tốt của thế giới như chúng tôi đã viết ở phần trên.
                  Phà Rừng ngày nay

Năm thứ 30 của sự hình thành và phát triên, Phà Rừng bắt đầu cho một hành trình mới: Công ty Đóng tàu Phà Rừng, một trong tám đầu mối đóng và sửa chữa tàu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC. Thế mạnh Phà Rừng sẽ lại phát huy để phát triển theo hướng bền vững, bởi Thủy Nguyên là vùng đất chứa đựng nhiều yếu tố lịch sử. Bức tranh của Thủy Nguyên vốn đã nổi tiếng với những Bạch Đằng, Tràng Kênh, Sông Giá, hang Vua... và 30 năm qua có thêm một Phà Rừng, quà tặng của vương quốc Phần Lan cho Việt Nam (và cũng là cho Thủy Nguyên) sẽ mãi mãi là điểm sáng của thành phố Hải Phòng trong công nghiệp tàu thủy nước nhà.

TVP-Tổng hợp từ TC SBIC