Đang tải dữ liệu...

30 năm một Phà Rừng

Thứ Ba, 27/05/2014, 07:17 GMT+7

Ba mươi năm trước, Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng, quà tặng của Chính phủ Phần Lan cho Việt Nam, được khánh thành và bắt đầu hoạt động (ngày 25 tháng 3 năm 1984).

Kể từ đó, Việt Nam có thêm một cơ sở sửa chữa tàu biển hiện đại với công nghệ Bắc Âu. Các nước trong khu vực chưa quốc gia nào có, nên Phà Rừng được xem là nhà máy sửa chữa tàu biển vào loại hiện đại nhất ở Đông Nam Á.
   Cắt băng khánh thành Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng tháng 3 năm 1984

Tàu đưa vào Phà Rừng sửa chữa với tỷ lệ 25% là tàu nước ngoài, nên Nhà nước ta đã dành cho Nhà máy những đặc cách. Nói cách khác, để quản lý một nhà máy như Phà Rừng là một bước đột phá mang yếu tố của cơ chế thị trường, trong hoàn cảnh nền kinh tế Việt Nam còn bao cấp.

Nằm nép mình vào dãy Tràng Kênh hùng vĩ để hướng ra dòng Bạch Đằng lịch sử, vị trí Phà Rừng có những thuận lợi về mặt tự nhiên. Nếu đứng trên ngọn U Bò, nơi Trần Hưng Đạo đã từng đặt đại bản doanh để chỉ huy trận thủy chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thì có thể ngắm toàn cảnh sông Bạch Đằng. Có lẽ vì thế mà Tràng Kênh được ví như bức tường thành của các trận thủy chiến trong lịch sử.      

Không rõ các hậu duệ Phà Rừng có tường việc những lớp người đi trước, khi xây dựng nhà máy đã phải đào đi cả một quả núi để đặt vào đó âu sửa chữa tàu.

Câu chuyện ấy, cái ngày khánh thành Nhà máy đã được nhắc rằng Phà Rừng khởi công xây dựng từ năm 1979, nhưng chính việc phải đào núi Đồng Cân để đặt ụ tàu, đã làm cho tiến độ xây dựng bị chậm lại tới vài năm.

“Đào núi và lấp biển” là việc đã làm ở Phà Rừng. Công việc khó khăn là thế, nhưng cái ngày khánh thành thì lại giản đơn. Sự giản đơn tới mức mà đại diện hai quốc gia, một bên là Ủy viên Bộ chính trị Đồng Sỹ Nguyên, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Việt Nam, một bên là Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Phần Lan, Pavouy-Ruyen cùng cầm một đoạn băng đỏ để đưa ra thông điệp rằng: “Phà Rừng bắt đầu hoạt động”. Ba mươi năm trước, một lễ khánh thành là như vậy, rất “Tây” bởi sự giản đơn mà thiết thực, không dài dòng lê thê. Rất Việt, bởi sự khiêm nhường: nước tôi còn nghèo, phải nhờ sự giúp đỡ của các bạn, nên chúng tôi không lãng phí, xa hoa... Đó là suy nghĩ của chúng tôi khi nhìn những tấm ảnh lịch sử mà Phà Rừng còn lưu được.
Phà Rừng vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm vào ngày 25 tháng 9 năm 1985

Hơn một năm sau ngày hoạt động, Phà Rừng vinh dự được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm, đó là 25 tháng 9 năm 1985. Sau khi làm việc với lãnh đạo và gặp gỡ những người thợ, Đại tướng đã ghi vào sổ vàng của đơn vị:

“Chúc toàn thể cán bộ công nhân viên Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, không ngừng nâng cao trình độ quản lý và kỹ thuật công nghệ, làm tốt công tác dịch vụ đời sống tinh thần và vật chất, học tập kinh nghiệm của chuyên gia bạn, xây dựng Nhà máy trở thành một xí nghiệp tiên tiến, làm ra sản phẩm đạt trình độ quốc tế góp phần xây dựng ngành giao thông đường biển Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong sổ vàng truyền thống của Phà Rừng

Khách đến thăm Phà Rừng thì rất nhiều, nhưng chúng tôi muốn viết về người xông đất đầu xuân 2008. Đó là nữ Tổng thống Phần Lan, bà Tarja Kaarina Halomen. Bà đến Việt Nam theo lời mời của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và phu nhân từ ngày 21 đến 23 tháng 2 năm 2008. Bà đã đến thăm Nhà máy Phà Rừng vào sáng 23 tháng 2. Sau lễ nghi đón tiếp ngoại giao, Tổng thống Phần Lan đã đi thăm cơ sở sản xuất và bày tỏ sự hài lòng về nguồn viện trợ ODA của Phần Lan cho Việt Nam và mong được tiếp tục hợp tác. Bà đã dự lễ khởi công dự án hệ thống thoát nước và vệ sinh đô thị do Phần Lan tài trợ cho thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, nơi Nhà máy Phà Rừng đóng trụ sở.

Cũng cần nói thêm, Phần Lan là một trong những quốc gia Tây Âu thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam trong thời kỳ nước ta còn bị bao vây, cấm vận (25/1/1973), Phần Lan luôn ủng hộ Việt Nam, Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng được xây dựng trong bối cảnh đó bằng nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Phần Lan.

Dân số Phần Lan chỉ có 5,4 triệu người, bình quân 16 người/km2. ấy thế mà quốc gia này đã giúp Việt Nam không chỉ Phà Rừng mà còn các chương trình phát triển nông thôn và đặc biệt là các dự án cấp nước cho Hà Nội, Hải Phòng.

Chúng tôi may mắn đã có nhiều dịp đến Nhà máy Phà Rừng, sự thay đổi luôn là cảm nhận đầu tiên, mười năm đầu hoạt động (1984-1994) gồm hai kỳ của 5 năm kế hoạch, thì 5 năm sản xuất của kỳ hai, tổng sản lượng Nhà máy Phà Rừng tăng tới 12 lần so với kỳ một.

Khi Phà Rừng có thêm dây chuyền đóng mới chúng tôi lại được nghe ông Luogchi, trưởng đại diện đăng kiểm Nhật Bản (NK) nhận xét rằng: Phà Rừng có tới 4 lợi thế khi đóng mới tàu, một là năng lực, hai là kinh nghiệm, ba là tay nghề, bốn là phương pháp quản lý. Bốn yếu tố ấy làm cho các chủ tàu khi đặt bút ký hợp đồng với Phà Rừng, họ sẽ nhận được những con tàu có chất lượng không khác gì khi đóng ở Nhật Bản.

Còn nhiều nhận xét khác nữa về công nghệ đóng tàu ở Phà Rừng, ví như khi đóng mới kho chứa dầu nổi FSO5 150.000 tấn ở Nam Triệu, thì Bạch Đằng, Hạ Long, Phà Rừng đều tham gia chế tạo tổng đoạn. Trong đó, Đăng kiểm nhận xét rằng, các tổng đoạn chế tạo ở Phà Rừng có độ chính xác cao nhất. Chúng tôi hỏi lại: Phải chăng vì Phà Rừng kế bên Nam Triệu, nên những tổng đoạn ấy không phải chuyên chở một quãng đường dài như các đơn vị, nên sự cong vênh không xảy ra? Làm gì có cong vênh, một đăng kiểm viên nói như thế! Thế nên tàu xuất khẩu của Phà Rừng đã từng được tờ tạp chí Ship and Shipping  bình chọn chiếc tàu chở hàng rời 34.000 DWT mang tên San Felice là một trong số 10 tàu đẹp và tốt nhất của thế giới năm 2010.
  Phà Rừng ngày nay

Sản phẩm của Phà Rừng còn chiếm nhiều giải: Huy chương vàng ụ nổi 4200 TLC – Vietship 2004, cúp vàng sản phẩm dịch vụ WTO, cúp vàng doanh nghiệp hội nhập và phát triển 2007, cúp vàng Topten thương hiệu Việt lần thứ 3 năm 2007, Huy chương vàng tàu Vinashin Bay – Vietship 2008, Huy chương vàng TN Ocean Vietship 2008, Huy chương vàng Vietship 2012...

Bằng ấy cũng đủ để minh chứng cho chất lượng sản phẩm mang thương hiệu Phà Rừng, vì thế nên lời phát biểu của ông Luogchi người Nhật Bản như đã nói ở trên quả là không quá.

Sẽ là thiếu nếu không nói Phà Rừng là cơ sở sửa chữa thành công loại tàu chở khí ga hóa lỏng đầu tiên.

Ba mươi năm đã qua đi, Phà Rừng vẫn là niềm tự hào không chỉ của các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức lao động của đơn vị, mà còn là niềm tự hào của công nghiệp tàu thủy cả nước. Dãy Tràng Kênh như một chứng nhân chứng kiến không biết bao nhiêu con tàu đã mang thương hiệu Phà Rừng xuôi theo dòng Bạch Đằng lịch sử để ra biển lớn.

TVP- Tổng hợp từ SBIC