Đang tải dữ liệu...

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Thận trọng thoái vốn

Thứ Ba, 20/08/2013, 13:29 GMT+7

Câu chuyện tái cơ cấu DNNN trong những ngày gần đây lại nóng lên trên nhiều diễn đàn. Điều này có lý khi tuần qua nhiều DNNN thông báo thực hiện thoái vốn ngoài ngành. Không những thế, hàng loạt các chính sách mới hỗ trợ DN tái cấu trúc, thoái vốn và cổ phần hóa đã, đang và sẽ được Chính phủ ban hành.

                  
 
Chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, cần quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tập trung tái cơ cấu DN Nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng với các nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài, xử lý nợ xấu...
Không chỉ là hô hào

Nếu tính “mốc” thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước giai đoạn 2011-2015 (Quyết định 929/QĐ-TTg ngày 17-7-2012) và trước đó gần 1 năm, Bộ Tài chính đã chính thức bắt tay vào khởi động thực hiện thì đến nay đã có 66 TĐ, TCT xây dựng đề án tái cấu trúc trình bộ chủ quản, Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt; trong đó có 44 đề án được phê duyệt. Các TĐ, TCT chưa hoàn thiện đề án có hạn “chót” là tháng 9 tới đây.

Trên thực tế, quá trình đổi mới và sắp xếp DNNN đã được thực hiện từ hơn 20 năm nay. Qua 4 giai đoạn thực hiện và đang bắt đầu giai đoạn 5, quá trình đổi mới và sắp xếp lại DNNN đã đạt được những kết quả đáng kể. DNNN giảm nhanh về số lượng, nhưng quy mô tài sản và vốn chủ sở hữu tăng lên hàng chục lần so với thời kỳ đầu trước khi tổ chức lại. Hơn nữa, chúng ta đã xây dựng được nhiều DNNN có quy mô lớn, có vai trò và vị trí quan trọng đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh các tồn tại và vướng mắc chủ quan, sự bất ổn kinh tế vĩ mô và sự trì trệ của nền kinh tế trong 5 năm qua cũng là nguyên nhân khách quan làm chậm quá trình tái cơ cấu DNNN. Như một rào cản của tiến trình này, việc thoái vốn khó khăn do không có thị trường trong khi Chính phủ yêu cầu gắt gao phải bảo toàn vốn là một trong những nguyên nhân chính khiến các DNNN thực hiện cầm chừng.

Về lý thuyết, việc quản trị điều hành một TCT nhà nước, trong một TĐ kinh tế chủ đạo là một thách thức lớn. Do đó, việc tái cấu trúc cũng đòi hỏi dũng cảm quyết đoán, nếu không sẽ khó thực hiện được. Thời điểm Thủ tướng yêu cầu các DNNN phải hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành trước 31-12-2015 đang đến gần và yêu cầu đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các DNNN cũng đang trở nên bức thiết. Do đó, theo nhiều chuyên gia kinh tế, tái cơ cấu cần đem lại những kết quả cụ thể chứ không chỉ là những bản báo cáo, hay những đề án ít mang tính hành động, triển khai.
 
Theo báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội, tính đến 31-12-2011, các Công ty mẹ đã đầu tư vào các lĩnh vực: Chứng khoán, Quỹ đầu tư, Bảo hiểm, Ngân hàng, Bất động sản là 23.744 tỷ đồng, tăng 3.056 tỷ đồng (15%) so với năm 2010. Trong đó, lớn nhất là lĩnh vực ngân hàng với 11.403 tỷ đồng, tiếp đến là bất động sản với 9.286 tỷ đồng. Đầu tư vào bảo hiểm là 1.682 tỷ đồng, chứng khoán là 696 tỷ đồng.
 
“Dọn đường” cho tái cơ cấu

Khi trung tuần tháng 2-2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế, có nghĩa vấn đề tái cơ cấu DNNN đã chính thức được đặt trong tổng thể này là cơ sở pháp lý quan trọng đầu tiên “dọn đường” cho các DN thực hiện cải cách. Thời điểm đó, phát biểu trước báo giới, TS. Trần Du Lịch có cái nhìn lạc quan về cơ hội tái cơ cấu của DN khi cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục nếu thực hiện nhất quán, đồng bộ các biện pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ. Cùng với Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế, sẽ mở ra những cơ hội cho các DN nắm bắt để tái cơ cấu và phát triển bền vững.

Thời gian sau đó, dư luận đặt dấu hỏi dường như “không khí” tái cơ cấu trầm lắng hẳn. Tuy nhiên, trên thực tế, các TĐ, TCT nhà nước vẫn gửi Đề án về Bộ Tài chính thẩm định và trình bộ chủ quản cũng như Chính phủ phê duyệt. Với cách thức, khi các bộ, ngành, địa phương chủ quản gửi Đề án về Bộ Tài chính, Bộ sẽ có ý kiến, tất cả các phương án đều có phương án xử lý cụ thể cho phù hợp tình hình thực tế. Nếu trường hợp có DN muốn thoái vốn, bán dưới giá trị sổ sách thì đề nghị DN thực hiện theo đúng quy trình, quy định và Bộ Tài chính cũng sẽ có phương án giải quyết cụ thể.

Thoái vốn cũng vậy, mặc dù là việc khó nhưng không phải vì khó mà chậm trễ. Không ai khác, chính các DN phải xắn tay trực tiếp vào việc, vướng ở đâu, cần cơ chế gì thì khi đó, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ cùng vào cuộc. Nhiều lần trả lời phỏng vấn Báo Hải quan, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến đã khẳng định như vậy.

Thiện chí của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như của Chính phủ không chỉ dừng ở đó. Liên tục gần đây, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định quan trọng đó là: Nghị định số 61/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với DN do nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn nhà nước và Nghị định 71/2013/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý tài chính đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đây là 2 văn bản pháp lý quan trọng, là cứu cánh cho DN khi đang loay hoay tìm đường thoái vốn, cũng như làm tăng tính công khai, minh bạch tài chính tại các đơn vị này.

Theo Nghị định 71, DN được quyền sử dụng tài sản thuộc quyền quản lý của mình khi đã được đầu tư bằng nguồn vốn của DN để đầu tư ra ngoài DN. Việc sử dụng tài sản có liên quan đến đất đai để đầu tư ra ngoài DN phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai. Trong trường hợp chuyển nhượng vốn đầu tư ngoài ngành bị lỗ, tức giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách của DN thì sẽ báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định.
 
Tận dụng thời điểm thoái vốn

Trong báo cáo thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh đầu năm, TĐ Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, song song với các công việc tái cấu trúc thuộc phạm vi TĐ thực hiện, PVN đã chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện phương án tái cấu trúc (19 DN và các đơn vị nghiên cứu khoa học và đào tạo). Trong tháng 7-2013, TĐ hoàn thành phê duyệt phương án tái cấu trúc cho các đơn vị để các đơn vị có định hướng rõ ràng phát triển. PVN cũng đã có kế hoạch thoái toàn bộ vốn khỏi PVFC (Tài chính dầu khí), PET (Dịch vụ tổng hợp dầu khí), Oceanbank và bán bớt cổ phần của PVT (Vận tải dầu khí), DPM (Phân bón và hóa chất dầu khí)… và nhiều DN khác.

Tương tự, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ bán đấu giá công khai 25,2 triệu cổ phiếu tại ABB (Ngân hàng An Bình) vào ngày 9-8 tới. Vietnam Airlines cũng đã lên kế hoạch thoái toàn bộ 24 triệu cổ phiếu của TCB (Techcombank) trong năm 2013 và thoái vốn tại 10 DN khác trong 3 năm tiếp theo…

Những tin vui đến từ các TĐ, TCT đó trùng với thời điểm thị trường chứng khoán liên tục được cải thiện. Gần đây những phiên đột phá của nhiều mã cổ phiếu tăng trưởng đã giúp VN- Index vượt mốc cản tâm lý 500 điểm.

Như vậy, những “mảng sáng” của nền kinh tế đang dần được cải thiện. Đây là thời điểm thuận lợi để các DNNN tiếp tục thoái dần vốn đầu tư ngoài ngành. Tâm lý kỳ vọng vào sắc xanh của thị trường chứng khoán sẽ góp phần thúc đẩy toàn thị trường, chắc chắn sẽ khiến các DN “dễ thở” hơn khi thực hiện thoái vốn mà vẫn bảo toàn được vốn.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM TS. Trần Du Lịch:

Cần chuyển giao toàn bộ vốn đầu tư

Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các TĐ và TCT hiện nay cần có biện pháp như chuyển giao theo sổ sách toàn bộ vốn đầu tư (gồm đầu tư mới và vốn sở hữu cổ phần do quá trình cổ phần hóa các DN thành viên tạo ra) về cho khoảng 3 công ty đầu tư tài chính Nhà nước (số lượng các công ty này là để đáp ứng được cho công tác sắp xếp, đổi mới DNNN). Các công ty này xây dựng kế hoạch thoái vốn hoặc tiếp tục kinh doanh bằng một đề án tổng thể trình Chính phủ phê duyệt và báo cáo cho Quốc hội.

H.H (ghi)

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông:

Quyết liệt chỉ đạo tái cơ cấu

Theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt thì các DN phải cơ bản hoàn thành thực hiện tái cơ cấu trong năm 2013. Qua đó, đẩy mạnh công tác cổ phần hóa DN, thực hiện đồng thời cổ phần hóa cả công ty mẹ và công ty con. Nếu không thực hiện tái cơ cấu thì nhiều DN sẽ bị phá sản hoặc làm ăn thua lỗ.

Mục tiêu của Bộ Giao thông vận tải trong năm nay phải thực hiện cổ phần hóa xong 10 TCT lớn là: Tổng công ty xây lắp, Cenco 1, Cenco 4, Cenco 5, Tổng công ty Thăng Long, Tổng công ty xây dựng đường thủy…

Trong quá trình thực hiện cổ phần hóa gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc, kể cả việc xác định tài sản của DN để làm rõ về giá trị đất đai, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, vấn đề xử lý nợ (nợ của các chủ đầu tư với DN và DN nợ ngân hàng), nhiều DN, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực xây lắp gặp không ít khó khăn, do một số đơn vị thành viên làm ăn thua lỗ dẫn đến mất cân đối tài chính. Mặc dù còn gặp nhiều trở ngại, nhưng Bộ rất quyết liệt chỉ đạo và lấy mốc 30-6 vừa qua để xác định giá trị DN, xác định cổ phần, đưa lên sàn chứng khoán niêm yết, phát hành trái phiếu…

L.K (thực hiện)

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí (PVN), Phùng Đình Thực:

Thoái vốn nhưng phải bảo toàn vốn

Tái cấu trúc là chủ trương đúng đắn để nhằm hướng đến mục tiêu lớn nhất là nâng cao nội lực, tăng sức cạnh tranh, đứng vững trên thị trường của DN. Chẳng hạn như Tổng công ty Công nghệ Năng lượng Dầu khí Việt Nam (PVEIC) là đơn vị thành viên của PVN đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, PVN xác định phải cấu trúc lại DN này và phải được cụ thể hóa, gắn với trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị cụ thể, quyết tâm thực hiện những mục tiêu đề ra trong ngắn hạn và dài hạn như: Giảm chi phí hoạt động 25 – 30%, chấn chỉnh lại công tác quản lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Trong thời gian tới, PVEIC sẽ tập trung cho hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng lớn các công trình dầu khí ở khâu sau, lĩnh vực hoạt động cốt lỗi nhất của PVEIC hiện nay.

Lãnh đạo PVN quyết tâm thoái vốn khỏi các ngành nghề không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế nên việc thoái vốn sẽ gặp nhiều khó khăn. Muốn thoái vốn thì nhiều lĩnh vực PVN phải chấp nhận lỗ, bán cắt lỗ để có dòng tiền khôi phục sản xuất, nhưng lại không được bán dưới mệnh giá. Cụ thể là lĩnh vực bất động sản muốn thoái vốn, nhưng thời điểm này bán lại không ai mua, vì chủ trương chung là thoái vốn nhưng phải bảo toàn vốn.

Ngoài kế hoạch thoái vốn, PVN cũng sẽ đầu tư mạnh hơn vào 5 lĩnh vực trọng điểm: Thăm dò khai thác dầu khí; lọc-hóa dầu; Công nghiệp khí; Công nghiệp điện; Dịch vụ dầu khí chất lượng cao (trong đó thăm dò khai thác dầu khí là lĩnh vực kinh doanh chính).

Lê Kiên (thực hiện)

Phó Tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường:

Đã thoái hết vốn ở ngân hàng

Hiện Tập đoàn đã thoái hết phần vốn đầu tư ngoài ngành tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) và Ngân hàng Thương mại CP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Số vốn ngoài ngành còn lại chủ yếu nằm ở các công ty tài chính và sẽ được thoái hết trong năm 2015. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn bộ hệ thống DN của Vinatex không có khoản nợ đọng nào đối với ngân hàng mà không thanh toán được. Còn đối với khoản nợ của khách hàng, Vinatex tuy tăng trưởng doanh thu 13% nhưng tổng công nợ của Tập đoàn chỉ bằng 90% so với cùng kỳ năm trước. Nợ xấu (là nợ trên 12 tháng nhưng dưới 24 tháng) của toàn Tập đoàn hiện nay chỉ khoảng hơn 50 tỷ đồng.

(theo vinashin.com.vn)

Các bài đã đăng
Trang 1 / 4